• Tiền trạm của thương yêu

    Để chuẩn bị tốt nhất cho chương trình "TITA Trọn Vẹn Yêu Thương" lần 3 tổ chức ngày 03.10.2014, Ban tổ chức chúng tôi khăn gói lên đường đi tiền trạm vào một ngày thu tháng tám. Bỏ lại những bộn bề lo toan của cuộc sống và công việc, 7 thành viên TITA chúng tôi chọn ngày thứ bảy để đến tìm hiểu 3 ngôi chùa ở Bà Rịa và trại phong Bình Minh thuộc tỉnh Đồng Nai.

    Đó là một ngày thật đặc biệt, khi mọi người vẫn đang say giấc sau một tuần làm việc mệt mỏi thì từng người trong nhóm chúng tôi đã thức dậy tự lúc nào vì nôn nao không thể ngủ tiếp được. Với hành trang gồm vô số các loại lồng đèn Trung thu dành tặng các bé đã chuẩn bị trước 1 tháng, tôi và các bạn đồng nghiệp thẳng tiến tới điểm xuất phát là nhà anh Thịnh & Chị Trâm để cùng khởi hành đến Bà Rịa.

    Xe bắt đầu lăn bánh; buổi sáng cuối tuần thật bình yên và trong lành, mỗi người chúng tôi dường như ai cũng quên đi hết mọi mệt mỏi của một giấc ngủ không trọn vẹn khi nghĩ đến hành trình giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh sau chuyến đi này.

    Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là 3 ngôi chùa ở huyện Tân Thành – tỉnh Bà Rịa. Nhằm xác thực thông tin, chúng tôi đã tìm hiểu về hoạt động và hoàn cảnh của từng ngôi chùa thông qua người dân địa phương. Sau chia sẻ của người dân trong vùng, chúng tôi có chút nghi ngại. Vì theo lời của một Bác sống gần chùa “bà đó ác lắm, đi tu gì, có chồng có con rồi” hoặc tâm sự của một chị bán hàng đầu ngõ “mấy đứa nhỏ đó có cha có mẹ đàng hoàng, đâu có mồ côi, sáng gởi vô chùa, chiều họ đón về, ở đây chùa nào cũng vậy”,…. Khi vào thực tế 2 ngôi chùa và dạo xung quanh các chùa khác trong khu vực thì thật sự chì có thể dùng từ “thất vọng” để diễn tả cảm giác của chúng tôi lúc này. Nào là bảng thông báo “bán chùa”, nào là lời nhắn nhủ của Sư cô “vào chùa này nha, đừng vào chùa kia” hoặc câu hỏi “ủng hộ bao nhiêu?”,...

    Chúng tôi phải vội vã ra về và dừng xe ở một đoạn đường vắng trong khí trời oi bức để suy ngẫm. Nghi vấn về hoạt động như chùa Bồ Đề đang tượng hình trong suy nghĩ của từng thành viên. Lúc này đây, người im lặng và buồn bã nhất là bạn Nhung vì như bạn tâm sự: em thấy buồn quá, gia đình em ở đây, đi từ thiện ở chùa này nhiều lần rồi nhưng đâu có biết?! … Hơn nữa; trong các hoạt động từ thiện, TITA luôn tâm niệm: những gì thuộc về trái tim phải đến được với trái tim. Do đó; những nỗ lực, cố gắng, yêu thương của các TITAER gởi gắm trong từng chương trình góp quỹ từ thiện chắc chắn phải đến đúng nơi, đúng người đang cần sự giúp đỡ, thương yêu. Vì vậy; không một chút nản lòng, đoàn chúng tôi quay xe về để tiếp tục đến điểm khảo sát cuối cùng: trại phong Bình Minh.

    Từ Quốc lộ 51 rẽ phải vào Ấp 5 xã Tân Hiệp, đi gần hết đoạn đường nhựa này rẽ trái vào khu vực trại phong Bình Minh chúng tôi như lạc vào một thế giới khác, nơi tấm bảng chỉ đường đã nhuốm màu thời gian mà chúng tôi lỡ đi qua phải quay xe lại dù có đến 7 đôi mắt quan sát, là nơi những con đường đất nhỏ hẹp chạy dài, trên mặt đường vẫn còn các vũng nước sình đọng lại sau cơn mưa đêm trước, ven đường những bãi đất trống cỏ dại mọc đầy, ở giữa là văn phòng Bình Minh với mái tôn nóng hầm hập, bức tường úa màu, khoảng sân xi măng chắp vá với vài chiếc bàn gỗ cũ kỹ là nơi các con em trại viên đang hạnh phúc khi nhận quà và nô đùa cùng các nhà hảo tâm.

    BM1

    Tiếp chuyện với chúng tôi là anh Ngọc – đại diện văn phòng Bình Minh, người đàn ông đã gắn bó với trại phong này gần 40 năm. Dù vào Nam đã lâu nhưng chất giọng của người con mảnh đất miền Trung nắng gió vẫn còn và là niềm tự hào cũng như làm nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà trong anh. Qua trò chuyện với anh, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận là nỗi đau vô hạn về tinh thần lẫn thể chất và cả những mặc cảm của các bệnh nhân phong. Vì căn bệnh ấy mà người đàn ông đó phải rời quê nhà vào Nam từ năm 16 tuổi và gần 40 năm qua anh chưa một lần về thăm dù “Ba Mẹ biết anh vẫn còn sống” và anh vẫn biết “Ba Mẹ vẫn còn và luôn trông ngóng anh từng ngày”. Vì sao? Anh nghẹn ngào chia sẻ: ngoài quê anh vẫn còn định kiến với căn bệnh này lắm các em ạ, nếu anh về chỉ làm Ba Mẹ và gia đình anh thêm buồn vì những lời bàn tán, dị nghị. Đau xót nào bằng khi có quê hương, gia đình, cha mẹ, người thân nhưng không thể về thăm. Có nỗi đau nào hơn khi những trái tim cùng chung huyết thống đang nhớ mong nhau hàng giờ nhưng đành cam chịu nuốt nước mắt vào trong mà không dám gặp chỉ vì sợ người thân xấu hổ về mình do ác cảm của xã hội với căn bệnh kia.

    IMG_1837 IMG_1836

    Chính mặc cảm bệnh tật của bản thân là lý do vì sao chưa có nhà tài trợ nào có thể vào khu vực sinh sống của trại viên Bình Minh, họ chỉ tập trung khi nghe tiếng kẻng báo phát quà mà ân nhân sẽ trực tiếp trao cho họ. Đây cũng là lý do những bệnh nhân phong phải rời xa nơi chôn nhau cắt rốn và tập trung thành một khu tách biệt để sống với nhau. Cho nên, khi có ai hỏi “quê con ở đâu” thì thế hệ con cháu của các bệnh nhân phong luôn trả lời “trại phong Bình Minh” vì các em sinh ra, lớn lên ở nơi đây và chính Cha Mẹ các em còn chưa biết quê nhà thì làm sao các em hình dung được quê hương là gì?! Và hơn ai hết, anh Ngọc là minh chứng sống cho lớp bệnh nhân phong thế hệ trước phải chịu nhiều thiệt thòi do di chứng của của căn bệnh này vì ngày xưa không có thuốc tốt đặc trị. Ngồi nói chuyện với chúng tôi, trên đôi tay đã không còn nguyên vẹn ấy vẫn rắn chắc và mạnh mẽ khi nói rằng mình may mắn lắm vì gương mặt, đôi chân không bị ảnh hưởng, vẫn có thể đi lại và giúp đỡ các bệnh nhân khác kém may mắn hơn mình. Anh chia sẻ thêm: với các bệnh nhân phong, nỗi ám ảnh lớn nhất là thời tiết lạnh vì khi ấy đau nhức kinh khủng.

    IMG_1835

    Ngày nay, có nhiều loại thuốc rất tốt và bệnh phong đã không còn đáng sợ như chúng ta vẫn nghĩ các bạn ạ! Nếu phát hiện bệnh sớm và chữa trị thì chỉ trong vòng 6 tháng là lành bệnh. Người đang bệnh nếu được điều trị ổn định vẫn có thể hòa nhập với xã hội mà không lây lan cho ai. Thế hệ cháu con của trại khỏe mạnh, vẫn đi học, đi làm nhưng con đường đi đến một cuộc sống bình thường như bao người lại lắm gian truân. Theo chúng tôi được biết, văn phòng Bình Minh phụ trách từ mẫu giáo đến lớp 3; từ lớp 4 các bé sẽ học ở trường ngoài nhưng thực tế chỉ đến lớp 12 hoặc trung cấp nghề, còn giảng đường đại học vẫn mãi là giấc mơ với các em vì hoàn cảnh nơi đây rất khó khăn, thiếu thốn.

    Dù được Nhà nước tài trợ nhưng liệu với hơn 300 ngàn làm sao đủ chi tiêu cho cả hộ gia đình trong 1 tháng giữa thời buổi vật giá leo thang? Câu hỏi này chúng tôi đã đặt ra với anh Ngọc và anh đã vui vẻ trả lời “thì tụi anh cũng phải tự cân đối và phần lớn nhờ các nhà hảo tâm”. Khi nhận được tài trợ, dù chỉ là chục bịch bột ngọt hoặc 1 tấn gạo thì anh và các thành viên của văn phòng cũng sẽ chia đều cho 365 trại viên.

    Kinh phí Nhà nước cấp có hạn mà dân số của trại thì ngày một đông; thêm vào đó, các Mạnh Thường Quân của Bình Minh đa số là Phật tử, vào các tháng kiết hạ (*) thì trại lâm vào cảnh thiếu ăn. Lúc ấy, anh Ngọc phải viết thư ngỏ, tìm đến các nhà hảo tâm khác để xin gạo cho bà con. Qua lời anh nói, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi và luôn đau đáu trong lòng: nếu các em có lòng hảo tâm thì hãy cho gạo, loại gạo bình thường 10 ngàn một ký thôi, đừng cho bánh bao hay thực phẩm khác quá ngon vì các trại viên ăn 1 cái bánh bao ngon nhưng lại rơi nước mắt vì hôm nay được ăn 1 bữa ngon nhưng ngày mai, ngày mốt, ngày kia có thể bị đói; với bà con nơi này: có đủ miếng ăn, ấm bụng là hạnh phúc, chứ không cần ăn ngon.

    Trên tất cả; dù cái nghèo đói vẫn luôn đeo bám, sự kỳ thị của xã hội vẫn tồn tại, cánh cửa vào đại học mở ra tương lai vẫn đóng kín nhưng niềm tin về một ngày mai tươi sáng đang được gìn giữ, những mơ ước hòa nhập cộng đồng đang được nuôi dưỡng dù thật mong manh của trại viên Bình Minh khiến chúng tôi khâm phục: 103 bệnh nhân thuộc thế hệ đầu tiên của trại, chỉ trừ khi già yếu không còn sức lao động hoặc không thể tự đi đứng, còn lại dù không lành lặn nhưng vẫn cố gắng đi làm thuê, làm mướn quanh vùng để kiếm sống; các thế hệ con cháu gồm 262 em vẫn hằng ngày cắp sách đến trường, cố gắng học một nghề để có công việc ổn định hoặc đang nỗ lực làm việc hết mình mang lại cuộc sống no ấm cho Bình Minh. Vì vậy, những trái tim thiện nguyện của TITA chúng tôi muốn góp sức mình vào việc giữ gìn, thắp sáng những ước mơ nhỏ bé kia và mang lại một sự khởi đầu mới lấp lánh tia sáng hi vọng ở chân trời nơi ấy như chính tên gọi Bình Minh của trại.

    Sau khi gởi hơn 100 lồng đèn Trung thu cho các em, chúng tôi chào tạm biệt anh và rời trại phong Bình Minh. Chính anh và các trại viên sẽ là động lực vô tận giúp chúng tôi nỗ lực, cố gắng hết mình trong các chương trình gây quỹ TITA Trọn Vẹn Yêu Thương 2014. Và khi đó, tất cả thành viên trong đoàn đều trăn trở chung một nỗi niềm: TITA chúng tôi sẽ làm gì để bà con nơi đây không chỉ được giúp đỡ về vật chất mà còn cảm nhận sự thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia từ cộng đồng nhằm xóa dần mặc cảm vô hình và định kiến xã hội khắt khe đối với họ. Rất nhiều kế hoạch, ý tưởng đã được đưa ra trên chuyến xe về Sài Gòn hôm ấy. Hẹn gặp lại Bình Minh vào một ngày mùa thu tháng 10 nhé!

    (*) Hàng năm; vào 3 tháng mùa mưa, người xuất gia tập họp trong một ngôi chùa để chuyên lo tu học, tinh tấn đạo nghiệp và phải cấm túc tại một nơi.

    Thanh Hằng - HR