• Một ngày yêu thương

    Đúng 6 giờ, toàn thể nhân viên TITA văn phòng HCM gần 30 người khởi hành từ tòa nhà văn phòng công ty thẳng tiến đến xã Tân Đông, Thạnh Hóa, Long An, nơi chúng tôi chuẩn bị thực hiện chương trình TITA Trọn Ven Yêu Thương lần 4 đầy ý nghĩa. Công ty chúng tôi được chia làm 4 nhóm, mỗi nhóm hỗ trợ 3 hộ gia đình. Riêng nhóm 3 của chúng tôi gồm 9 thành viên: mợ 5 Phượng đảm đang, bạn Thương vui vẻ, bạn Cường nghệ sĩ, bạn Trúc xinh đợp, bạn Hạnh dễ thương, cái Tuyền nhí nhảnh, cu Hùng sáng chói, bé Ty và bé Na mũm mĩm sẽ phụ trách hỗ trợ gia đình Bà Ới, Ông Quảnh và Anh Cường. Các bạn đừng hỏi tôi là ai nhé, vì tôi sợ bị ném đá lắm!
    Buổi ăn sáng ngay trên xe là món bánh mì heo quay đạm bạc do ban tổ chức chuẩn bị cùng với những ly café nghĩa tình của chị chủ quán café Nhung gần công ty ủng hộ cho anh em chúng tôi. Mặc dù chúng tôi phải dậy từ sớm và chuyển cả đóng sách vở, quần áo, đồ dùng gia đình vận động được từ các mạnh thường quân lên xe, ai cũng nhuễ nhại mồ hôi, nhưng ai cũng cảm thấy vui. (Đừng ai nói với mọi người là gần 6h tôi mò lên nha, tại bữa đó bận tiếp bà dì từ Bà Rịa lên đến khuya nên mặc dù đã hẹn đồng hồ mà không dậy nổi, cũng thấy áy náy lắm). Vui vì nghĩ đến niềm hạnh phúc của các gia đình sẽ được giúp đỡ, vui vì mình đang vận chuyển nghĩa tình của bà con đến cho mọi người. Chúng tôi không ngờ nghĩa tình của bà con mình nhiều đến thế, suýt chút nữa là không thể chất hết lên xe được… Thế mới thấy tấm lòng tương thân tương ái của bà con mình thật lớn biết bao.

    Sau khoảng hơn 60km đường trường, chúng tôi chia làm 2 ghe xuôi theo 1 con rạch nhỏ dài gần 5km đổ về dòng sông Vàm Cỏ Tây. Hai bên bờ rạch dân cư thưa thớt, đa phần nhà cửa tạm bợ, không được kiên cố lắm. Dòng sông Vàm Cỏ Tây mang lại nhiều tôm cá là thế, nhưng hàng năm cũng mang lại nhiều lũ lụt, nó còn là dòng sông ngăn cách bà con với những khu vực phát triển khác, khiến cho bà con nơi đây lúc nào cũng lam lũ không đủ ăn, bị thương lái chèn ép, cuộc sống tăm tối. Cũng may mắn là năm nay mùa lũ về muộn, nếu không các bạn TITA của tôi đã được nếm cảnh thế nào là sống chung với lũ. Tôi nói thế bởi tôi cũng là người con vùng sông nước, mặc dù khu tôi ở tận Vàm Cỏ Đông không đến nỗi như nơi này.

    Nói đến lũ lụt có thể các bạn chưa hình dung được cuộc sống nơi đây nó kinh khủng như thế nào. Các bạn cứ thử tưởng tượng mình vô tình mắc kẹt trong một tuyến đường ngập đến gần yên xe, tâm trạng bồn chồn không yên cứ mong muốn về nhà làm một giấc. Còn ở nơi đây nước ngập gần gấp đôi thế, thay vì mình chỉ bị ngập trong vài giờ thì đây là hàng tháng trời. Thay vì dưới chân là đường bê tông thì bên dưới là đường đất lòi lõm, té lên té xuống, ngụp lặn trong nước. Thay vì bên cạnh còn có dòng người cùng cảnh ngộ chia sẽ, còn đây một mình mình giữa đồng không hiu quạnh, bên dưới là nước, xung quanh cũng là nước, bên trên là mưa bão trắng xóa bầu trời. Thay vì sau khi thoát khỏi tuyến đường đó về nhà còn có chăn ấm nệm êm, còn nơi đây nước ngập tận vào trong nhà, không có chỗ để mà ngủ, nhiều hộ phải leo lên nóc nhà chờ đợi cứu hộ. Cả khu vực không hề có điện đuốc, chìm ngập trong màn đêm u tối, hòa cùng tiếng ếch nháy rền vang như tiếng gọi hồn. Cuộc sống của người dân nay đây chẳng khác nào những chiếc đèn dầu loe lắt dưới giông bão không biết sẽ tắt đi khi nào. Làm lụng vất vả quanh năm nhưng năm nào cũng trắng tay, tài sản trôi theo dòng nước.

    Nhưng cũng may đó là chuyện của vài năm trước, hiện giờ thủy lợi phát triển, lũ lụt về ít hơn, ngắn hơn. Rồi cha Đâu về giúp dân làm đường, làm cầu, đưa điện và nước sạch đến với bà con, kết nối với tấm lòng hảo tâm của mọi người, cuộc sống đỡ cơ cực hơn rất nhiều. Nhưng bà con nơi đây vẫn cần lắm những tấm lòng chung tay giúp đỡ của mọi người để có thể hòa nhập và bắt kịp nhịp sống ở các khu vực khác. Chúng ta chung màu da, chung tiếng nói, cùng thở chung bầu khí quyển, cùng sống trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng nghe và thấy cuộc sống người dân nơi đây như vậy mà cảm thấy đau lòng.

    Đúng 8h30, chúng tôi đến điểm tập kết tại giáo xứ Tân Đông do đức cha Đặng Văn Đâu phụ trách, nằm sát ngay dòng sông Vàm Cỏ Tây. Mọi người hối hả xếp thành hàng dài chuyền tay nhau từng gói hàng yêu thương lên bờ. Phải nói từ lúc chuyển hàng lên xe, xuống ghe, rồi chuyển lên bờ, anh em lúc nào cũng đồng lòng, quy trình làm việc chuyên nghiệp chẳng khác nào các anh bộ đội cụ Hồ ngày xưa. Sau đó mỗi nhóm theo các hướng dẫn viên tình nguyện do nhà thờ sắp xếp đi đến từng hộ được phân công.

    Nhóm 3 của chúng tôi lại chia thành 2 nhóm nhỏ, một nhóm 4 người đến hỗ trợ nhà ông Quảnh và bà Ới lợp lại nhà, làm vách và cửa sổ; một nhóm 5 người đến nhà của anh Cường để lợp lại mái nhà…….. Đường đến nhà ông Quảnh, bà Ới thật gian nan, chạy hơn 1km đường đồng bằng xe máy, đi thêm khoảng gần 1km bằng xuồng ba lá, sau đó đi bộ gần 300m mới đến nhà của ông Quảnh và bà Ới. Tôi đã được nghe ban tổ chức kể về nhà của ông Quảnh và bà Ới mấy bữa trước, nhưng không thể tưởng tượng được nó lại thê thảm đến như vậy.

    Cả gia đình ông Quảnh 7 người gồm 2 vợ chồng ông Quảnh, vợ chồng người con, 1 đứa cháu đang học lớp 2 cùng với 2 cháu khoảng 3-4 tuổi sống dưới mái nhà lợp bằng lá dừa nước đã mục nát, chắc là để nằm trong nhà ngắm sao băng! Còn vách dựng bằng lá và các tấm mành tre loang lổ, trống hoắc, chắc là sợ những vị khách không mời như nắng mưa, gió bảo ghé chơi không có đường vào! Một số cột nhà phần thì bị mục nát vì làm quà cho bọn mối mọt và phần thì bị sụp xuống do nước lũ xói mòn. Ngôi nhà nghiêng hẳn sang một bên như chực chờ đỗ sụp xuống khi có con chim nào đó đậu lên. Nền nhà bằng đất bùn khô còn là nơi ở của chuột và rắn rết mỗi tối khi nước lên. Tài sản trong nhà chỉ có vỏn vẹn 1 cái gường, 1 cái đi văng, 1 cái bàn, 1 cái tủ quần áo và 1 cái củi. Tất cả đều cũ kỹ, xiu vẹo. 3 đứa con thì quần áo cũ kỹ, tay chân bùn đất đen đúa, quần áo cũ kỹ, hôi hám, riêng chỉ có đôi mắt là sáng ngời. Hỏi ra mới biết gia đình không ruộng đất, ngày ngày phải đi làm thuê làm mướn, bươn chải kiếm vài chục ngàn sống qua ngày, bữa có bữa không, cuộc sống không đủ ăn, đủ mặt lấy gì mà lo cho cái nhà cái cửa. Đó chỉ là điển hình trong 12 hộ mà công ty xuống hỗ trợ đợt này, mỗi nhà mỗi cảnh nhưng tất cả đều đáng thương, đáng được giúp đỡ. Nghe nói cả xã có hơn 70-80% là nghèo, còn lại thì là… khổ. Hộ giàu có của dư của để chắc đếm trên đầu ngón tay! Mọi người tương thân tương ái đùm bọc nhau, nhưng không giúp đỡ được nhau nhiều, bởi ai cũng khó khăn cả.

    Chúng tôi bắt tay ngay vào công việc, đầu tiên là dùng cây làm đòn bẩy đẩy cho ngôi nhà đỡ bị nghiêng, gia cố lại các cây kèo, cái cột, cây đòn tay. Sau đó là tiến hành đưa tôn vận động được từ chị Phong Khách hàng Blusescope cùng các nhà phân phối Ngọc Biển, An Gia Phúc, Phúc Huê để lợp nhà, làm vách. Nói là làm vậy thôi chứ chúng tôi nào làm được gì nhiều đâu, chỉ giúp trao cây đinh, cái búa, phụ cưa lại cái cây, hay chút nước cho các anh thợ lúc các anh mệt, khiên phụ tấm tôn, phụ vịn tấm tôn cho các anh đóng, phụ chuẩn bị bữa trưa... Còn lại tất cả các công việc nặng nhọc và nguy hiểm như leo lên trên lợp tôn, đóng đinh… đều do các anh được nhà thờ vận động làm hết.
    Mặc dù chỉ phụ thôi, chỉ đứng ở bên dưới thôi mà còn thấy nổi đom đóm, nắng nóng rát da mặt, lỡ chạm tay vào tấm tôn dưới ánh nắng mặt trời chói chang là như muốn bỏng cả đôi tay. Bọn mình phải chạy vào bóng râm để trú nắng mà còn thấy mệt, nhìn lên thấy các anh ở trên trần lợp nhà thấy thương và cảm phục các anh. Không biết lúc trước ông Quảnh và các con đã sống ra sao dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt như thế...

    Các anh cứ làm mà không nghỉ trưa để cho kịp tiến độ. Nhiều lúc thấy các anh mệt quá đóng đinh không còn chính xác nữa nhưng các anh nhất định không nghỉ. Tụi mình chỉ biết chuẩn bị nước đưa cho các anh uống để lấy lại sức. Cũng may có mấy thùng Rồng Đỏ do Khách hàng URC hỗ trợ mà các anh làm việc hiệu quả hẳn. Hai đứa cháu nhỏ của ông Quảnh cứ mê tít mấy chai Rồng Đỏ, nào giờ cuộc sống cơ cực, các bé nào có biết nước tăng lực là gì đâu.

    Tụi mình cảm thấy rất áy náy vì không giúp gì được nhiều cho mọi người, vì nào giờ có làm những việc như thế này bao giờ đâu. Thế mà ông bà Quảnh khi có dịp là cứ cảm ơn, bắt nhóm chúng mình phải vào mát ngồi nghỉ, để các anh làm cho. Đến hơn giữa trưa, khi đã lợp được nữa ngôi nhà, dưới cái bóng mát rượi của mái tôn, ông Quảnh mới nhìn lên trần nhà mà nói với tụi mình, rưng rưng nước mắt: “Anh chị cảm ơn công ty, cảm ơn tụi em nhiều, nếu không có công ty và tụi em, không biết khi nào anh mới có được cái nhà như vậy”. Rồi các anh lợp nhà nói “may mà nhờ có mấy chai Rồng Đỏ với mấy miếng bánh mì, đồ hộp mà tụi em mang theo tụi anh mới làm nổi”. Những lúc ấy cảm thấy thật ấm lòng, thật sự hạnh phúc vì mình đã mang lại niềm vui vô bờ bến cho người khác.

    Ai cũng làm việc hăng say, cho dùng nóng rát cả mặt, tôn nóng bỏng cả tay, sơ ý bị tôn cắt vào da thịt máu tuôn ra xối xả, vậy mà ai cũng tươi cười, không lời oán trách.

    Có lẽ hôm nay ông Quảnh là người hạnh phúc nhất, lúc nào ông cũng nở nụ cười thật tươi, thật hạnh phúc. Ông trời cũng như chia vui cùng ông, cùng mọi người. Ngay khi vừa lợp xong mái nhà và một bên vách, thế là trời đổ một cơn mưa thật lớn để xua đi cái nóng. Bây giờ, mưa gió đối với ông Quảnh không còn là sự sợ hãi, không còn là thảm họa nữa, bởi ông đã có mái nhà đầy tình thương của mọi người. Một tương lai tươi sáng đang mở ra trước mắt ông, mơ ước cả đời ông nay đã trở thành sự thật. Hi vọng giờ đã an cư rồi, sau này ông có thể lạc nghiệp. Thằng cu Tí con ông Quảnh cũng vui ra mặt, mặc dù nó phải chạy tới chạy lui, lội bưng, lội biền đến mấy cây số, quần áo ướt sũng để mượn cái kéo, cái máy cắt tôn… vậy mà nó rất vui, vì sau này nó đã có nơi thoải mái để ngồi học, không lo tập vở bị ướt nữa. Đáng lẽ tuổi này là tuổi ăn học, vui chơi như bao đứa trẻ khác, nhưng cuộc sống khó khăn đã dạy cho nó biết giúp đỡ ba mẹ. Hi vọng sau này nơi ở ổn định, nó sẽ được học hành tử tế, cuộc sống không phải khó khăn như bây giờ nữa.

    Đến tối, khi sản phẩm đã hoàn thành, chúng tôi chia tay gia đình ông Quảnh. Ông cứ bắt chúng tôi ở lại dùng cơm cùng gia đình và mọi người. Do nhà không có gì để đãi nên ông đã làm thịt con cầy thân yêu của cu Tí để đãi mọi người. Chúng tôi phải từ chối mãi vì có hẹn tập hợp với công ty ở nhà thờ ông mới chịu cho về. Ông nói: “công ty và mọi người đến phụ cho anh ngôi nhà mà không biết khi nào tôi mới xây được, vậy mà không để tôi mời được mọi người bữa cơm”. Thế là cuối cùng chúng tôi phải nhận một phần thịt cầy đem để cho ông yên lòng ông mới cho về.

    Đó chỉ là một phần trong chuyến đi 2 ngày 1 đêm cực khổ, nhưng đầy ý nghĩa. Những trải nghiệm khó quên trong đời. Nếu không đi thực tế thì không thể nào có thể cảm nhận hết những cơ cực của người dân nơi đây. Nếu không đi thực tế, không chịu cảnh buổi tối ngồi trong nhà thờ có hơn 15 phút mà đã đập chết khoảng 30-40 con muỗi hung dữ tấn công, mới ngồi toilet 2-3 phút mà nó xử cái mông bấy nhầy, ngứa ngáy. Ấy vậy mà người dân nơi đây đêm đêm phải ra sông cắm câu, đập chim, bắt chuột và làm bạn với muỗi để kiếm vài chục ngàn. Hay lặn lội vớt lục bình về làm đồ thủ công mỹ nghệ với giá rẻ bèo. Giao thông đi lại thì khó khăn, người dân bị bệnh chưa đến được bệnh viện đã phải chết ở giữa dòng sông. Cũng may mà có cha Đâu giáo xứ Tân Đông đứng ra giúp đỡ, làm cầu nối hỗ trợ nhân dân mà bây giờ người dân nơi đây có điện nước, một phần đường xá, cầu cống để đi lại, cuộc sống đã đỡ cơ cực hơn trước nhiều. Có thể nói giáo xứ Tân Đông là địa chỉ đáng tin cậy để giúp đỡ người dân nơi đây. Khi xuống với bà con nơi đây mới thấy được tấm lòng của người dân dành cho cha nơi xứ nghèo này là như thế nào. Người dân nơi đây cần lắm những tấm lòng tương thân tương ái của mọi người.

    Có thể nói trong chuyến đi này chắc mình là người vui nhất, mình vui vì được về góp 1 phần công sức giúp đỡ bà con quê mình, trải nghiệm lại những cảnh cơ cực hàng chục năm về trước. Một lần nữa thay mặt bà con nơi đây, cảm ơn cha Đâu, cảm ơn anh Thịnh, chị Trâm, cảm ơn chị Phong, công ty Ngọc Biển, An Gia Phúc, Phúc Huê, cảm ơn URC và nhiều mạnh thường quân khác nữa đã hỗ trợ cho người dân nơi đây có động lực vươn lên. Cảm ơn ban tổ chức đã cho chúng tôi một chuyến đi đầy ý nghĩa, một kỹ niệm không thể nào quên trong cuộc đời này.

    Nhóm 3