• Khi bán đi mong mỏi yêu thương

    Bán hàng luôn là một nghệ thuật, và tôi lại là người sợ nhất việc bán hàng. Bạn dễ dàng nhận thấy tôi chẳng có tí năng khiếu nào mà còn “mang tiếng” là dẫn dắt một đội các bạn cũng như tôi, chẳng ai biết gì về việc bán gì, bán thế nào. Ngược lại, tôi rất thích các công tác xã hội, những công việc thiện nguyện. Nên việc bán hàng nhằm gây quỹ cho các chương trình từ thiện cũng ít nhiều làm tôi lo lắng. Không thể chối cãi là bản thân tôi sợ, nhưng nỗi sợ nào cũng phải vượt qua. Và nhóm chúng bắt đầu bằng cách tìm nguồn thu mua sản phẩm cho đúng tính chất chương trình “CÂY NHÀ LÁ VƯỜN”.

    Qua một vài liên hệ, chúng tôi có 2 sản phẩm là măng chua ĐăkLăk và oliu đen đã sơ chế. Nhưng chỉ có ít sản phẩm thì cũng khó bán nên chúng tôi họp bàn và tìm ra được thành viên “ưu tú” nhất trong nhóm là Cường. Vì nhà Cường ở Long An có trồng thanh long và rau má, rất phù hợp với tiêu chí của Ban Tổ chức. Nhiệm vụ tìm nguồn cung đã hoàn thành và chúng tôi vui vẻ chuẩn bị lên đường đi L.A lấy “chiến lợi phẩm” một cách thư thái và an nhàn. Chắc vậy, nên có một số bạn khác cùng tham gia.

    Đường đi khá dễ tìm và thời tiết khá thuận lợi nên chúng tôi hi vọng thu hoạch được nhanh chóng. Bước chân vào đến cổng nhà Cường là thấy một màu xanh mát mắt. Nhà có đất vườn bao chung quanh là vườn rau má xanh tốt. Những cây rau má non, mọc sát đất như trốn cái nắng nóng nhưng cũng như muốn cùng nhau khoe màu xanh nõn nên đan kín khắp vườn. Trên một thửa đất khác là vườn thanh long đã chín đỏ, trái tròn căng mọng nước. Sau vài câu trò chuyện với ba mẹ của Cường, chúng tôi nóng lòng “nhào vô” cắt thanh long và rau má.

    Đó là khi chúng tôi chứng kiến sự vất vả của người làm vườn khi mẹ của Cường đang cần mẫn cắt rau má dưới cái nắng nóng mùa hè. Mồ hôi rịn trên trán và bất chấp nắng ngày một gay gắt, bác vừa kiên trì cắt từng mảng rau, vừa nhanh tay nhặt cỏ. Không ai bảo ai, cả nhóm chúng tôi đứng ngây người nhìn bác thoăn thoắt tay làm. Không biết bác đã bắt đầu từ khi nào, chỉ thấy một thùng lớn chất đầy rau má đã nằm sẵn trong hiên nhà trước khi chúng tôi đến.

    Và đến lượt chúng tôi bắt đầu công việc thu hoạch nhưng gặp ngay một số khó khăn hơn mong đợi. Chúng tôi có thừa nhiệt tình nhưng thiếu “thiết bị bảo hộ” và càng không có kinh nghiệm cắt rau má. Giữa trời nắng đổ lửa, không có đồ che chắn thì rất “căng” nên mũ, nón bảo hiểm và áo khoác chưa bao giờ “quý giá” hơn thế. Cả đám kéo nhau ra vườn, mạnh người nào người nấy tay bứt, kẻ dao kéo cắt xiên xẹo. Mới ngồi xuống thôi mà đã nghe mùi đất ẩm xông lên mặt. Một người bạn nước ngoài từng nói với tôi về cảm giác khi ở trên đất Việt Nam, giữa cái nắng nóng thì độ ẩm của khí hậu làm cho họ không dễ thích nghi ngay được. Đúng là khi ngồi xổm trên nền đất ẩm giữa nắng hè, nếu không quen thì chỉ trong chốc lát là cả người ướt nhẹp! Chỉ một lúc sau, mẹ Cường nhẹ nhàng khuyên chúng tôi lên nhà ngồi hoặc đi cắt thanh long vì không phải ai cũng có thể cắt được rau má. Vì khi cắt cần lựa rau mọc chỗ cao, thoáng và cũng cần nhanh tay nhanh mắt bỏ những cây cỏ xung quanh để đỡ công người nhặt lại. Được một lát, cả nhóm tách dần ra vườn thanh long vì thực sự không biết làm thì có thể làm nát hết vườn mà cây sau khi thu hoạch cũng không tốt. Ở lại vườn chỉ còn mẹ Cường và bạn Ái tiếp tục công việc đầy nhẫn nại và tỉ mỉ.

    Vườn thanh long thì dễ dàng quan sát và cắt trái. Nên sau một hồi học cách cắt và “làm clip hướng dẫn” thì trong chưa đầy một giờ tất cả các trái thanh long đỏ chín mọng đã được thu hoạch. Trái thanh long ruột đỏ ngay lập tức được chế biến thành món sinh tố dầm đá. Nhà cúp điện nên cả nhóm ra ngoài hiên nhà, vừa thưởng thức “cây nhà lá vườn” vừa bắt tay vào nhặt lại rau má. Những cây cỏ nhỏ xíu, những lá rau vàng úa, hay đơn giản là một chú sâu lá nhỏ qua tay cả nhóm 8 người dần được bỏ sang một bên. Trước tiên là thùng rau má thu hoạch buổi sáng, cái thùng to bự cỡ một người lớn ngồi vô trong được. Công việc tỉ mỉ đến mức vừa hết thùng này đã đến thùng khác đổ ra. Cứ mỗi lần “hạnh phúc” khi nhìn đống rau to lớn xẹp xuống dần, chúng tôi lại nhận được một thùng lớn khác đổ ra! Cả nhóm hì hụi đến giữa trưa thì cũng giải quyết xong được khoảng chục ký rau má! Khối lượng tưởng ít, nhưng công việc tay chân bỏ ra cho nó thì với cả nhóm 8 người mới thấy thật vĩ đại!

    Chúng tôi ra về và khấp khởi trong lòng với những món hàng quê tuy nhỏ bé về vật chất nhưng cũng thấm nhiều ý nghĩa. Thấm trong đó không chỉ là mồ hôi của những bàn tay lao động mà còn là những yêu thương của mẹ dành cho những người con, là những gửi gắm tấm chân tình thiện nguyện cho những mảnh đời bất hạnh sắp được giúp đỡ. Những món quà quê ấy tưởng không thật sự lớn nhưng ý nghĩa lớn lao nhất là nhận về sự sẻ chia yêu thương của đồng đội, bạn bè, những người sát cánh cùng làm, cùng vui và cùng trao đi hạnh phúc.

    Chúng tôi còn vui hơn khi nhận được sự đón nhận của tất cả đồng nghiệp khi bán hàng. Chúng tôi chợt thấy thật vui, thật ý nghĩa và cảm động khi tất cả tấm lòng và mệt nhọc ở L.A đã được đền đáp xứng đáng. Chúng tôi bày ra những ký rau má xanh non, những trái thanh long mọng đỏ, bên bịch măng chua vàng mơ là trái o liu đen nhánh. Đứng giữa gian hàng tự phong là “Hội chợ nông sản” bắt mắt bởi màu sắc ấy chúng tôi thấy thêm nhiều sắc màu mới mẻ của sự sẻ chia yêu thương.

    Đúng là muốn bán hàng phải có nghệ thuật thật! Nghệ thuật của sự chào mời, nghệ thuật bày bán và ẩn sâu trong đó là mong mỏi của xây đắp tinh thần lan tỏa yêu thương. Tôi vẫn sợ mình không đủ sức buôn bán, đến giờ này vẫn vậy. Nhưng nếu bạn có một muc đích cao cả, một tấm lòng muốn sẻ chia thì việc bán đi sức lao động, sự tỉ mỉ hay thời gian của mình bạn chắc chắn sẽ nhận về niềm hân hoan và hạnh phúc được thương yêu…

    Quang Thương - Nhóm 3