• 02/08/2015 – Ngày của những cung bậc cảm xúc

    Lại một mùa yêu thương nữa lại về, chúng tôi – những con người được may mắn nắm vai trò ban tổ chức của chuyến thiện nguyện lần này, đã có trọn 1 ngày tiền trạm ở Long An với nhiều hỉnh ảnh yêu thương đọng lại trong ký ức.

    Khởi hành lúc 8h35’ sáng, xe đưa chúng tôi đến xã Tân Đông để tìm hiểu một cách sâu sắc hơn về cuộc sống người dân nơi đây. Thời gian di chuyển như ngắn lại với những câu chuyện cười rôm rả của các thành viên. Khi vừa đến nơi, chúng tôi được anh Viên – một người hướng dẫn viên ở giáo xứ Tân Đông nhiệt tình giới thiệu từng hoàn cảnh thật sự khó khăn cần giúp đỡ. Chỉ khi đi thực tế như thế này mới có thể cảm nhận hết được cuộc sống khốn khó của những người xung quanh mình, mới thấm được những giá trị của cuộc đời, mới cảm thấy được mình thật sự may mắn hơn nhiều người khác. Nếu như không tận mắt chứng kiến, tận tai nghe họ kể về những trang sách của cuộc đời thì tôi không bao giờ nghĩ được rằng trong cuộc sống này có những con người khốn khổ cùng cực đến vậy.

    Ho 2 - toan canh

    Vì cuộc sống quá khắc nghiệt nên khi hỏi về những ước muốn của cuộc đời, họ chỉ nghĩ đến những điều hết sức bình dị, “tôi chỉ ước sao có thể làm lại cái bàn thờ để thờ Chúa, để khi tôi mất đi còn có chỗ làm lễ” hay “muốn có thêm ít cái bàn, cái ghế để khi cô chú ghé thăm nhà có chỗ mà ngồi”. Đây là lời chia sẻ của cụ bà ngoài 80 tuổi sống cùng một người con trai làm thuê không ổn định trong một căn nhà vách gỗ nóng như lửa vào mùa nắng và nước như trút vào mùa mưa

    Tuổi xế chiều lam lũ là chân dung về cuộc sống của gia đình gồm 2 ông bà cụ sống nương tựa lẫn nhau. Mặc cho tuổi già sức yếu, hằng ngày 2 ông bà phải kéo từng bó củi về nấu rượu để bán cho người dân trong thôn xóm với đồng lời ít ỏi là 2,000 đồng/ lit. Nhìn thân hình gầy gò của họ, không ai có thể nghĩ 2 ông bà có thể khiêng 1 nồi rượu nặng 20 lit trong mỗi lần nấu. Vì cuộc sống mưu sinh nên họ phải bươn chải để có thể tồn tại. Bữa ăn của họ đôi khi là những con cá do cụ ông đầm mình lội sông bắt được hay chỉ đơn giản là ăn cơm với muối trong những ngày thất bát. Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng họ vẫn rất tươi vui lạc quan, điển hình là nụ cười mom mem của ông cụ khi đón tiếp chúng tôi, một nụ cười hiền từ, chấc phác đúng với con người của ông.

    IMG_5465

    Trong những hoàn cảnh đã tiếp xúc, ai cũng mang trong mình những nỗi niềm riêng nhưng trường hợp để lại ấn tượng nhất với tôi là hình ảnh bé Như – một cô bé chỉ mới 10 – 11 tuổi với gương mặt buồn. Cha em bị tai nạn trong 1 lần đi làm đã không còn khả năng nói chuyện, đi lại. Mẹ em phải đảm nhận luôn cả trách nhiệm của một người chồng, người cha. Vì mọi gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền mẹ em phải gánh vác nên bà phải đi làm từ sáng đến tối mới có thể đủ trang trải cho cuộc sống. Hằng ngày em ở nhà nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cha. Cứ hãy tưởng tượng hình ảnh một đứa bé với thân hình gầy nhom dìu cha từng bước vào nhà vệ sinh để tắm cho cha, chăm sóc cha khi mẹ vắng nhà thì cảm giác thật sự rất nghẹn ngào. Ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới này, em không có tuổi thơ hồn nhiên như các bạn, tuổi thơ em là những chuỗi ngày san sẻ gánh nặng gia đình cùng mẹ. Như là một đứa bé có hiếu, khi được hỏi về cha, em òa khóc nức nở với một mong muốn “con muốn cha con hết bệnh”. Thương em, mong em có đủ nghị lực để bước tiếp cùng mẹ chăm lo cho gia đình tuy nghèo vật chất nhưng đong đầy tình cảm.

    Ngoài tình cảm dành cho người dân, tôi còn ấn tượng về hỉnh ảnh người Linh mục nơi đây. Cha Đâu – một người Cha giàu lòng bác ái đã trở thành chỗ dựa vững chãi cả về vật chất lẫn tinh thần cho bà con ở vùng đất này, một nơi mà số phận của những con người với tương lai mù mịt phía trước khi cái nghèo vẫn còn đeo bám. Vì xuất thân trong một gia cảnh túng thiếu nên Cha hết mực thông cảm, thương yêu và tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể cho những số phận kém may mắn như mình. Tên gọi hết sức bình dị và thân thương vô cùng, “cha đâu ?” như một câu hỏi kiếm tìm của những đứa con khi trở về nhà hoặc khi cần nơi nương tựa giữa bão táp cuộc đời. Như một mối lương duyên, Cha đã trở thành nhịp cầu nối đưa chúng tôi đến với miền đất này – nơi của những con người với những mơ ước nhỏ nhoi, đơn giản nhưng nhói lòng

    IMG_5362 - Copy

    Qua những cuộc nói chuyện với bà con nơi này mới có thể cảm nhận được tình cảm mà Cha đã dành cho họ, Cha quan tâm sâu sắc đến cuộc sống của họ, đặc biệt là những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Cha không ngại khó để nguyên góp tiền làm cầu, làm đường để tạo điều kiện cho bà con đến được với nhà thờ. Đối với những hộ khó khăn, Cha dang tay giúp đỡ, tạo việc làm, nguyên góp tiền chữa bệnh, chăm lo cuộc sống hàng ngày. Đối với cha, không có khái niệm nghỉ ngơi, mặc dù mang trong mình khá nhiều bệnh nhưng Cha vẫn cật lực đi nguyên góp với mong ước sao có thể xây dựng được nhà thờ và chia sẻ phần nào cuộc sống khốn khó của người dân nơi đây. Cần lắm một người Cha có thể làm nơi nương tựa đối với những con người khốn khổ !!!

    Kết thúc chuyến đi với những dự định sẽ quay lại vào một ngày không xa để vẽ tiếp câu chuyện về cuộc đời của người dân nơi đây với những gam màu sáng hơn, hy vọng hơn.

    BTC - Thanh Trúc