• Phủ thảm xanh cho hôn nhân

    Tọa đàm Xói mòn hôn nhân, làm sao để tránh?

    Lúc mới cưới, các cặp vợ chồng thường đặt nhiều hy vọng vào cuộc hôn nhân của mình, nhưng mức độ hài lòng cứ suy giảm theo từng thời kỳ, nhất là giai đoạn có con đầu lòng. Số người rất hài lòng với hôn nhân hiện tại chỉ dừng ở 15%. Quan hệ bạn bè, tài chính, sinh hoạt hằng ngày, điện thoại/game, đối xử hai bên nội ngoại là năm vấn đề chính gây bất đồng và có thể “ăn mòn” hôn nhân.

    Kết quả khảo sát tại TP.HCM và Hà Nội của Công ty nghiên cứu thị trường TiTa công bố trong cuộc tọa đàm Xói mòn hôn nhân, làm sao để tránh? do báo Phụ Nữ và Công ty TiTa phối hợp tổ chức ngày 12/3 đã khiến người tham dự không khỏi nhìn lại tình trạng hôn nhân của mình và tự soạn “giáo án” riêng để giải cứu.

    Thời gian không trở lại, những cuồng nhiệt, đắm say như buổi đầu không bao giờ tái diễn nên cả hai phải cùng giữ lửa, nuôi dưỡng những thói quen tốt trong từng giây phút bên nhau. Ngay từ đầu nên đặt ra những quy ước hôn nhân như đắp con đê ngăn dòng, phân lũ, như trồng hàng phi lao đương đầu với bão cát.

    Vì đâu gia đình "rớt hạng"?

    Trong nhịp sống đô thị, thời gian cứ như bị ai đó đánh cắp. Bữa cơm gia đình có sứ mệnh nuôi lớn những thành viên; nuôi dưỡng không gian đầm ấm, yêu thương dần bị cắt giảm vì hàng tỷ thứ khác. Chiều tối, cha bận tiếp khách ở nhà hàng, mẹ lao ra từ công sở đến trường đón con, ghé lại lề đường mua chút thức ăn nhanh, rồi vội vàng đèo con đến chỗ học thêm. Bữa cơm một tô, một nắm lên ngôi; bữa cơm gia đình trở thành xa xỉ .

    Ông Phan Quang Thịnh, Giám đốc Công ty TiTa khẳng định, các thành viên càng dành thời gian cho gia đình thì gia đình càng hạnh phúc. Trong khảo sát, nhóm tự nhận là rất hạnh phúc thường dành trọn buổi tối để cùng nhau nấu ăn, vui chơi, trò chuyện, xem ti vi… trong khi nhóm bình thường - ít hạnh phúc hạn chế dành thời gian sinh hoạt chung, thay vào đó, các thành viên làm việc cá nhân, tự giải trí theo cách riêng, mỗi người cắm mặt vào màn hình phẳng hoặc về nhà muộn. Có khi các thành viên vẫn tồn tại bên nhau trong không gian vật lý nhưng không có tương tác, đối thoại, gắn bó.

    Anh Huỳnh Phước Hải (40 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) chia sẻ, khi gia đình anh còn ở New Zealand, công việc cũng khá bận nhưng vợ chồng, con cái vẫn sắp xếp cùng ăn tối với nhau. Còn giờ sống ở TP.HCM, việc gia đình quây quần bên nhau, ăn chung, chơi chung sao mà khó! Với những thứ ngổn ngang trong cuộc sống và thấy gì cũng quan trọng nên chẳng biết bắt đầu lại từ đâu, anh cùng vợ xác định mấu chốt để điều chỉnh: tập trung vào các con.

    Mong muốn trong cuộc sống thì vô cùng vô tận nhưng con cái là quan trọng nhất nên cần gạt bớt những yếu tố khác để ưu tiên cho “mũi nhọn” này. Tuy nhiên, ngay cả việc giáo dục con cũng không dễ có tiếng nói chung. Chị hướng đến giải quyết, can thiệp những tình huống con có vẻ bất ổn trong ứng xử, anh lại nhận thấy không cần thiết, cứ để con rèn sự độc lập, tự tin. Tranh cãi, bất đồng, có lúc anh chị đã đi đến đánh giá thấp tầm nhìn và kỹ năng của nhau trong việc dạy con. Tuy nhiên, nhờ chấp nhận, tôn trọng sự khác biệt, anh chị dần điều chỉnh và bổ sung cho nhau, cùng nuôi dạy con tốt. Tình cảm vợ chồng thêm gắn bó khi đồng hành trên mọi bước đường trong cuộc sống.

    Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), hôn nhân bị xói mòn do nền tảng gia đình lung lay, nếp sống thiếu ổn định, các thành viên chểnh mảng vai trò trong gia đình, các giá trị đạo đức như lòng chung thủy, tự trọng, đức hy sinh… bị xem nhẹ. Định hướng giá trị phiến diện, sai lệch khiến người ta mải mê chạy theo tiền bạc, danh vọng, quan hệ xã hội mà lơ là sức khỏe, gia đình, gắn bó người thân, bồi đắp các giá trị tinh thần.

    Người bước lên xe hoa chưa chuẩn bị kiến thức hôn nhân, thiếu kỹ năng quản lý gia đình, nghệ thuật ứng xử, từ đó không cân bằng được các mục tiêu cuộc sống và các mối quan hệ. Nhịp sống hiện đại cuốn người ta ra ngoài, làm cho tương tác trong nhà sút giảm, giao tiếp đứt gãy, vợ chồng, con cái không hiểu nhau, khoảng cách xa dần khiến gia đình “rớt hạng” từ gia đình hài hòa thành gia đình không hài hòa với liên kết thụ động, rời rạc, tan vỡ.

    Tin tưởng hôn nhân bền vững

    Khác với sự xói mòn đất vì tác động của gió, của nước, tác động càng mạnh mẽ thì hậu quả càng lớn, xói mòn hôn nhân lại bắt nguồn từ… sự phẳng lặng. Bước vào phòng tư vấn tình yêu hôn nhân gia đình của báo Phụ Nữ với hai hàng nước mắt và tờ đơn ly hôn, chị Thảo Anh (34 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) thả mình xuống ghế, úp mặt khóc, mặc chị Hạnh Dung dỗ dành.

    Chị thú thật, chồng luôn làm chuyện ấy trong trạng thái gấp gáp, chỉ để thỏa mãn nhu cầu, không quan tâm gì đến cảm giác của vợ. Bao lần định nói nhưng bao lần chị lại tự vấn mình đã đòi hỏi cao quá chăng? Làm gì có người đàn ông hoàn hảo như thế. Chị cố làm tròn phận vợ, dịu dàng, vui vẻ, lặng lẽ phục tùng chồng, thậm chí trong chuyện chăn gối, có khi phải giả vờ “lên đỉnh” để chồng hào hứng, kiêu hãnh…

    Đỉnh điểm của sự chán chường ở chị là ngày Chủ nhật tuần trước, chồng chị thẳng tay ném ly cà phê trước mặt vợ và các con chỉ vì trong ly có một lát hành. Anh chỉ nằm khểnh xem ti vi trong khi chị tối mắt tối mũi với việc nấu ăn sáng, chăm sóc con, còn phải cơm bưng nước rót cho chồng nên mới có sự cố lọt lát hành vào ly cà phê. Kết thúc một cuộc hôn nhân, chỉ còn hai điều khiến chị lưỡng lự là biết có tìm được việc làm ở tuổi 34, vì tuy có bằng cấp nhưng chị đã 10 năm không làm việc và biết có giành được quyền nuôi con không.

    Hôn nhân nào cũng có những khó khăn, rắc rối nhưng tùy cách ứng xử với nhau mà rắc rối ấy đi về hướng nào. Đức hy sinh của người phụ nữ rất đáng quý nhưng hy sinh không có nghĩa là cam chịu, nín nhịn, bỏ qua để mâu thuẫn chất chồng, bùng nổ. Hôn nhân dịu êm không nhờ một bên triệt tiêu cái tôi mà cả hai phải cùng giải mã chướng ngại. Kinh nghiệm của các cặp đôi rất hạnh phúc là im lặng lúc cả hai đang nóng giận nhưng khi thích hợp, phải đặt thẳng vấn đề trên tinh thần tôn trọng, xây dựng. Hôn nhân được nuôi dưỡng bởi tình yêu. Nếu không còn tình yêu thì hôn nhân chỉ là cái xác chỉ chờ ngày chôn cất.

    Có những điều ý thức ta xem nhẹ nhưng lại ghi dấu ấn sâu sắc trong tiềm thức, tác động đến sự cảm nhận hạnh phúc đối phương. Vì thế, ta mong muốn, khao khát điều gì, dù nơi đáy lòng, cũng cần đối diện, gọi tên nó, chia sẻ với người phối ngẫu để cùng cố gắng đạt được. Nếu không, có thể có vị khách không mời đáp ứng giúp! Đó có thể là khao khát những thăng hoa cảm xúc, chia sẻ đam mê, mong chờ những lời ngọt ngào lãng mạn, cử chỉ quan tâm, chăm sóc. Những điều tưởng nhỏ, tưởng phù phiếm ấy lại là thảm xanh trùm phủ hôn nhân trong hạnh phúc ngọt ngào, là chất đề kháng để hôn nhân luôn vui khỏe.

    Chính tư duy tích cực sẽ cho người trong cuộc sự tin tưởng và động lực để bước tiếp, dù gặp khó khăn, bế tắc, tuyệt vọng. Như với trường hợp chồng mê đắm một bóng hồng, người vợ thực dạ yêu chồng, biết trân quý hạnh phúc gia đình sẽ không dễ bỏ cuộc, dâng chồng cho tình địch. Hãy nhìn vào những ưu điểm của chồng, nhìn vào những tháng ngày chung sống đầm ấm bên nhau mà tìm cách gắn kết, đối thoại, gìn giữ, xây đắp hôn nhân.

    Một người vợ sau thời gian dọn ra ngoài sống vì giận chồng “say nắng”, đã vượt qua mọi rào cản khi tự động quay về, cương quyết giữ chồng. “Chờ anh hoài mà anh không đón, em tự đi rồi tự quay về, thấy nhục lắm chứ, nhưng em quyết vượt lên chính mình. Vì em yêu anh, cần anh, vì hạnh phúc này đâu phải của riêng em mà của cả bốn người, phải không anh?” – lời chân thực, dịu dàng và mạnh mẽ của người vợ suýt bị bỏ rơi khiến người chồng quý trọng vợ hơn và tự thấy xấu hổ khi không sửa mình.

    Trích Báo Phụ Nữ Online

    Xem bài gốc tại: http://phunuonline.com.vn/tam-su/hon-nhan/phu-tham-xanh-cho-hon-nhan-70927/