• "Giải cứu" xói mòn hôn nhân

    Tọa đàm sôi nổi với ý kiến tranh luận từ nhiều người đã và chưa lập gia đình

    Tỉ lệ ly hôn ngày càng tăng ở mức báo động. Nhiều bạn trẻ phải đối mặt với những khó khăn của cuộc sống hôn nhân khi chưa được trang bị những kiến thức tiền hôn nhân và khi mâu thuẫn phát sinh đã dẫn đến những hệ lụy.

    “Tại anh hay tại ả?”

    Vừa qua, tọa đàm “Xói mòn hôn nhân, làm sao để tránh?” do Báo Phụ nữ TP.HCM tổ chức, TS. Nguyễn Thị Bích Hồng chủ trì diễn ra tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM) thu hút sự quan tâm của nhiều người. Mới đây, với dự án “Đời sống hôn nhân gia đình đô thị”, Công ty Nghiên cứu thị trường TITA đã có một cuộc khảo sát khi chọn ngẫu nhiên 400 người đã lập gia đình ở TP.HCM và Hà Nội, từ 18 đến 55 tuổi. Kết quả, có 25% cảm thấy họ rất hạnh phúc với cuộc sống gia đình, 32% số người cảm thấy cuộc sống gia đình mình bình thường, không có gì đặc biệt. Con số này đã cho thấy những điều đáng suy ngẫm về bức tranh thực trạng đời sống hôn nhân hiện nay.

    TS. Nguyễn Thị Bích Hồng cho biết: “Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xói mòn hôn nhân là các cặp vợ chồng chưa có sự chuẩn bị kiến thức về hôn nhân, thiếu kỹ năng gia đình. Mỗi gia đình đều có những rắc rối riêng. Mỗi người phải học cách ứng xử với những rắc rối riêng đó”. Không ít cặp vợ chồng cãi nhau, mâu thuẫn phát sinh chỉ vì một thói quen, sở thích cá nhân nào đó của người này mà người kia chưa kịp thích ứng, dung hòa. Câu chuyện “chiến tranh lạnh” vì một quả chanh được nhà báo Tố Phương chia sẻ tại tọa đàm giúp nhiều người nhận ra những giá trị hạnh phúc của gia đình cần phải được gìn giữ, nâng niu, nếu không sẽ dẫn đến bờ vực thẳm, nhất là đối với những cặp vợ chồng trẻ. “Có cặp vợ chồng mới cưới, bữa cơm đầu tiên của họ ngỡ sẽ ấm áp, hạnh phúc nhưng tất cả tiêu tan chỉ vì một quả chanh. Người vợ thì đòi dùng nước luộc rau muống để làm canh, người chồng thì nhất định đòi cho cà chua vào nước rau muống chứ không chịu dùng chanh. Kết quả là mâu thuẫn không được giải quyết dẫn đến chiến tranh lạnh nhiều ngày”, nhà báo Tố Phương kể lại. Trong câu chuyện này, không thể đổ lỗi rằng “tại anh hay tại ả” mà nguyên nhân chính là đôi vợ chồng trẻ chưa được trang bị những kiến thức về hôn nhân. Họ thiếu sự nhường nhịn, chia sẻ. Đó cũng là thực trạng chung của rất nhiều cặp vợ chồng hiện nay.

    Cần trang bị kỹ năng, kiến thức tiền hôn nhân

    Theo ông Phan Quang Thịnh, Giám đốc dự án khảo sát “Đời sống hôn nhân gia đình đô thị”, “cách nhìn về bạn đời góp phần tạo nên mức độ hạnh phúc của bản thân. Cuộc khảo sát cho thấy, những người thuộc nhóm rất hạnh phúc, họ cảm thấy mình và bạn đời đều có những đức tính tốt và xấu khá tương đồng. Trong khi đó, những người thuộc nhóm thấy cuộc sống gia đình bình thường lại thấy mình tốt hơn bạn đời rất nhiều”. Khảo sát cũng cho thấy cách cư xử của bạn đời trong nhóm rất hạnh phúc khá nhất quán, ít thay đổi từ lúc mới cưới cho tới hiện nay. Đặc biệt là việc hy sinh, san sẻ việc gia đình và thể hiện sự quan tâm. Trong khi với nhóm thấy bình thường thì những hành động tốt đẹp từng làm lúc mới cưới bây giờ không còn được duy trì.

    Thực tế cuộc sống cho thấy, mỗi gia đình đều có những vấn đề riêng, những mâu thuẫn riêng nhưng 5 vấn đề chung thường gây bất đồng là: quan hệ bạn bè, tài chính, sinh hoạt hàng ngày, điện thoại (game) và đối xử hai bên nội ngoại. Tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng chính là vì các cặp vợ chồng không thể giải quyết được những mâu thuẫn xảy ra trong chính gia đình mình. Xã hội càng phát triển, những định hướng giá trị cuộc sống có phần phiến diện, sai lệch. “Chính vì thiếu kỹ năng kiến thức về cuộc sống nên nhiều cặp vợ chồng thiếu sự cân bằng. Họ mải mê làm việc, chạy theo những mối quan hệ xã hội bên ngoài, lơ là gia đình, thiếu sự gắn kết với người thân”, TS. Nguyễn Thị Bích Hồng chia sẻ.

    Đi sâu vào phân tích những nguyên nhân gây xói mòn hôn nhân có thể thấy các cặp vợ chồng đang thiếu kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trong cuộc sống chung, nhiều khác biệt trong sinh hoạt hàng ngày. Vợ chồng hòa hợp, yêu thương, tin tưởng và hiểu, thông cảm cho nhau là những yếu tố nền tảng để xây dựng gia đình hạnh phúc. “Vấn đề mấu chốt là người trong cuộc cần trang bị những kiến thức tiền hôn nhân, những kỹ năng về cuộc sống gia đình để hạn chế những mâu thuẫn nảy sinh. Học cách tổ chức cân bằng giữa gia đình - cuộc sống - công việc. Những gia đình nào biết cách vượt qua sẽ hạnh phúc, còn lại sẽ ngày càng tệ hơn và rơi vào những bi kịch không đáng có”, TS. Nguyễn Thị Bích Hồng cho biết.

    Trích Báo Giáo Dục Online

    Xem bài gốc tại: http://www.giaoduc.edu.vn/giai-cuu-xoi-mon-hon-nhan.htm