Hôn nhân đi vào ngõ cụt là cụm từ mà nhiều người nói thay cho cái kết ly hôn. Xã hội nhìn vào lo lắng vì án ly hôn tăng nhanh, còn người trong cuộc thì có trăm ngàn lý do để nói về chuyện của mình.
Tại buổi tọa đàm “Xói mòn hôn nhân, làm sao để tránh?” do báo Phụ Nữ TPHCM và Công ty Nghiên cứu thị trường TITA tổ chức vào chiều ngày 12-3 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TPHCM mà trước đó đã có khảo sát mang tên “Đời sống hôn nhân gia đình đô thị” đưa ra nhiều con số đáng suy ngẫm.
Buổi tọa đàm nhiều lứa tuổi tham gia.
Bữa cơm một tô
Câu chuyện mà tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng đến từ khoa Tâm lý giáo dục của trường Đại học Sư phạm TPHCM chia sẻ về sở thích ăn uống khác nhau thể hiện trong cùng bữa cơm được nhiều người nghe ủng hộ. Phần nhiều người tham gia tọa đàm cho rằng thời gian yêu và lúc cưới nhau khác biệt quá lớn. “Khi yêu nhìn đâu cũng thấy đẹp, có lỗi lầm cũng dễ bỏ qua. Đến lúc cưới về thì bao nhiêu cái bất ngờ, vỡ lẽ ra thì thế đã rồi”, chị Hương, ngụ quận 11, TPHCM nói. Điều chị Hương nói cũng giống cái gọi là vỡ mộng trong khảo sát của ban tổ chức. Ở 400 người đã kết hôn, từ 18 đến 55 tuổi, mức độ họ vỡ mộng về đời sống sau hôn nhân rất lớn.
Kết quả cho biết chỉ có 25% số người cảm thấy rất hạnh phúc (RHP), 32% số người cảm thấy không có gì đặc biệt hay còn gọi là bình thường (BT). Điều đó được ông Phan Quang Thịnh, Giám đốc dự án của Công ty Nghiên cứu thị trường TITA gọi là sự vỡ mộng sau hôn nhân vì ban đầu 99% cho rằng họ rất hài lòng khi mới cưới.
Theo khảo sát, có năm vấn đề thường gây bất đồng vợ chồng nhiều nhất là quan hệ bạn bè, tài chính, sinh hoạt hàng ngày, điện thoại/game và đối xử hai bên nội ngoại. Đơn cử một phần trong khảo sát về lúc mới cưới, các cặp vợ chồng thường xuyên có nhiều hành động thể hiện sự yêu thương và vun đắp cho tình yêu như san sẻ việc nhà (81%), thường xuyên quan tâm (79%), nhường nhịn (61%), nói lời yêu thương (71%) cũng như có nhiều hoạt động vui chơi giải trí cùng nhau. Lâu dần họ quên đi hoặc xem nhẹ những hành động này khiến sự không hài lòng xảy ra ở cả hai phía.
Nhưng ông Thịnh nhấn mạnh rằng quan trọng là cách giải quyết những vấn đề đó như thế nào. Theo khảo sát, nhóm RHP có khuynh hướng đối mặt giải quyết, trao đổi thẳng thắn trên tinh thần tôn trọng nhau. Trong khi đó, nhóm BT lại theo hướng cố gắng nhường nhịn theo kiểu chịu đựng và để từ từ mọi việc sẽ qua, khiến những bất đồng dồn nén chờ ngày bùng phát. Khi mâu thuẫn không tìm được tiếng nói chung thì bữa cơm 1 tô xuất hiện như điều tất yếu. Khi đó mạnh ai nấy ăn, mạnh ai nấy sống, chẳng ai nói với ai.
Khi phụ nữ khẳng định bản thân
Trong các yếu tố quyết định đến sự bền chặt, theo khảo sát của dự án, sự tin tưởng (62%), sức khỏe (61%) và vợ chồng hòa hợp (60%), những con số đơn giản nhưng quá trình gây dựng thì dài lâu.
Tin tưởng là yếu tố cực kỳ quan trọng trong đời sống hôn nhân. Theo khảo sát trên dưới 20% số ông chồng thường cảm thấy mệt mỏi với việc vợ ghen tuông và kiểm soát. Một tỷ lệ tương đương là số các bà vợ cảm thấy căng thẳng vì các mối quan hệ bạn bè và các thói xấu của chồng như cờ bạc, rượu chè, hút sách, làm biếng và sĩ diện. Ông Thịnh nhấn mạnh về chuyện vợ chồng sống đạo đức với nhau trong khảo sát, một chuyện xem nhẹ nhưng là yếu tố quan trọng. Chuyện “ông ăn chả bà ăn nem” khiến gia đình đổ vỡ nhanh chóng và chung thủy phải là chuyện được đặt lên hàng đầu.
Dành thời gian cho gia đình nhiều hơn là bí quyết của các gia đình nhóm RHP. Vào giờ vàng mỗi ngày, gia đình nhóm này tập trung quanh mâm cơm, xem ti vi, trò chuyện với nhau. Với nhóm BT, họ dành nhiều cho việc riêng (50%), giải trí theo cách riêng (17%), về nhà trễ (10%).
Một điều mà tiến sĩ Hồng chia sẻ được nhiều người tâm đắc là sự thay đổi trong cách nhìn nhận về vai trò của mỗi cá nhân trong gia đình. Nếu trước đây người phụ nữ đề cao sự hy sinh thì hiện tại họ đề cao sự khẳng định bản thân. Hy sinh thời gian cho gia đình xếp sau công việc ngoài xã hội. Những bà mẹ hiện đại hơn, bình đẳng hơn với người đàn ông trong gia đình. Điều này ảnh hưởng một phần đến thời gian làm tốt vai trò thường thấy của người vợ. Tuy nhiên bà Hồng cho biết vai trò có thể hoán đổi, một gia đình hạnh phúc khi luân phiên trong các công việc. Bà khuyên các cặp vợ chồng nhìn vào ưu điểm của nhau, bớt khắt khe với khiếm khuyết của chồng hay vợ mình. Và điều quan trọng là trao đổi thẳng thắn với nhau để biết bạn đời của mình cảm thấy như thế nào là hạnh phúc.
Trích Báo Sài Gòn Tiếp Thị Online
Xem bài gốc tại: http://www.sgtiepthi.vn/bua-com-mot-to-trong-gia-dinh-do-thi/